Ngày 8/12, ông Đinh La Thăng- nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên ủy viên Bộ Chính trị đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can, tạm giam. Cùng ngày, ông Thăng bị Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban chấp hành Trung ương).
Cùng tội danh với ông Đinh La Thăng, cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Khánh - cựu Chủ tịch PVN.
Bộ Công an cho hay ông Đinh La Thăng liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan này đang mở rộng điều tra. Đó là vụ án cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) và vụ án cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Do đó, ông Đinh La Thăng bị Cơ quan Cảnh sát, an ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
'Mất trắng' 800 tỷ đồng tại OceanBank
Giai đoạn 2008 - 2010 PVN đã góp tổng cộng 800 tỷ đồng vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), tương đương 20% vốn điều lệ nhà băng này và được chia làm 3 đợt. .
Theo cơ quan điều tra việc PVN góp tới 20% vốn tại OceanBank là trái quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2010, quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Mặt khác việc góp 20% vốn nói trên đã được kiến nghị tại Kết luận thanh tra ngày 27/12/2012 của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, yêu cầu HĐQT OceanBank chậm nhất đến ngày 30/6/2013 có biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông trong đó có PVN xuống mức không quá 15% vốn điều lệ của nhà băng này. Tuy nhiên, OceanBank cũng như PVN không thực hiện. Bên cạnh đó, việc góp vốn đợt ba có dấu hiệu sai phạm pháp luật của một số cá nhân trong Hội đồng thành viên PVN, ban tổng giám đốc, người đại diện vốn góp và ban kiểm soát.
Khoản tiền 800 tỷ đồng vốn góp của PVN vào OceanBank đã bị mất trắng do OceanBank làm ăn thua lỗ và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng vào tháng 4/2015.
Bi kịch ' đưa tiền vốn đi trả nợ ' tại PVC
Trong giai đoạn dài (2007 - 2013) Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) được coi là cánh chim đầu đàn trong PVN do ông Trịnh Xuân Thanh làm Tổng giám đốc (2007 - 2009), rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị (2009 - 2013). Đây cũng là khoảng thời gian dưới sự quản lý của lãnh đạo cấp cao - cựu Chủ tịch PVN - ông Đinh La Thăng, PVC được giao các dự án béo bở nhất của tập đoàn.
Sau thời gian phát triển nóng, triển khai đầu tư dự án theo kiểu "tiền trảm hậu tấu" PVC liên tục sa lầy vào những khoản nợ lớn, kéo dài. Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại PVN và một số đơn vị thành viên, PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước. Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, rất nhiều công trình, dự án lớn của PVN mà PVC được tham gia thực hiện với tư cách là tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công, để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách nhà nước.
Lợi nhuận sau thuế năm 2012 của PVC âm 1.847 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ tới 1.338 tỷ. Cũng trong năm này, PVN đã phải chi trên 1.000 tỷ đồng để mua lại phần lớn số cổ phiếu phát hành thêm của PVC, giúp doanh nghiệp này thoát cảnh thâm hụt dòng tiền.Riêng tiền tạm ứng cá nhân sai nguyên tắc tại công ty mẹ và các công ty tính đến thời điểm 30/6/2013 chốt trên sổ sách của PVC lên tới hơn 138,8 tỷ đồng. Các nhà thầu cũng được ứng thừa hơn 5.144 tỷ đồng khi thực hiện các dự án của PVC. Riêng phần công nợ phải thu của tổng công ty mẹ và các đơn vị thành viên thời điểm này cũng lên tới hơn 2.813 tỷ đồng. Việc chi tiêu quá tay khiến PVC không thể cân đối được nguồn vốn để trả lãi vay ngân hàng.
Sang năm 2013, tình cảnh không được cải thiện khi PVC tiếp tục lỗ gần 2.230 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ gần 1.623 tỷ. Ghi nhận khoản dư nợ vay ngân hàng quá hạn của PVC ở thời điểm cuối năm 2013 lên tới gần 1.500 tỷ đồng.
Sau loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao tại PVC bị bắt, trong đó có những cái tên như ông Trịnh Xuân Thanh - cựu Chủ tịch PVC, ông Vũ Đức Thuận - cựu Tổng giám đốc; nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Anh Minh, nguyên Chánh văn phòng Bùi Mạnh Hiển... khó khăn vẫn không ngừng bủa vây doanh nghiệp này.
Hai năm gần đây mặc dù đã thoát cảnh thua lỗ nhưng bức tranh tài chính của PVC chưa thoát được cảnh sa lầy trong nợ nần, doanh nghiệp chỉ đạt mức lợi nhuận mang tính "tượng trưng" với vài chục tỷ. Đến năm 2016, nhờ ghi nhận hoàn nhập dự phòng sau xử lý công nợ, lợi nhuận PVC lần đầu tiên sau nhiều năm vượt mức 100 tỷ đồng. Tuy nhiên do lỗ luỹ kế từ những "thế hệ lãnh đạo trước" để lại quá lớn, PVC vẫn lỗ gần 2.900 tỷ đồng (tương đương 75% vốn điều lệ) tới hết năm 2016.
Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã tiếp tục báo lỗ ròng thêm 33 tỷ đồng trong quý III khiến bức tranh 9 tháng vô cùng ảm đạm với khoản lỗ hơn 32,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận sau thuế đạt gần 269 tỷ. Sau nhiều lần trì hoãn, PVC vừa thông báo tới cổ đông về việc tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2017 vào ngày 15/12 tới.
Sai phạm chỉ định thầu tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2
Trong vụ án mở rộng điều tra sai phạm tại các đơn vị thuộc PVN, cơ quan điều tra cho rằng ông Đinh La Thăng cũng phải chịu trách nhiệm trong việc chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do PVN chỉ định cho PVC thực hiện, trong đó có sai phạm chỉ định thầu hầu hết các hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Ngoài ông Đinh La Thăng, cơ quan điều tra cho hay, sai phạm nghiêm trọng tại dự án này còn có dấu ấn của cựu Chủ tịch PVN - ông Nguyễn Quốc Khánh, người vừa bị khởi tố, bắt giam ngày 8/12.
Thời điểm năm 2011 – 2013, PVC được tập đoàn mẹ giao làm nhà thầu dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, với tổng mức đầu tư gần 34.300 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD), phạm vi thực hiện hợp đồng của nhà thầu, gồm thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp chạy thử, nghiệm thu, bàn giao vận hành và thu xếp vốn...
Sai phạm ở chỗ dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC và hợp đồng EPC chưa được ký, nhưng PVN đã chuyển 8,2 triệu USD và gần 1.320 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án này. Nhờ phần rót vốn từ tập đoàn mẹ, PVC được tạm ứng 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD để triển khai dự án. Song, số tiền này không dùng vào việc thực hiện dự án mà được lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh chi vào những mục đích trả nợ khác.
Cụ thể, cựu lãnh đạo PVC đã chi 1.080 tỷ đồng để thanh toán 425 tỷ đồng nợ gốc vay ngân hàng và 55 tỷ đồng trả lãi vay uỷ thác của tập đoàn. PVC cũng đã chi 74 tỷ đồng để hỗ trợ nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, đồng thời bổ sung 103 tỷ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng (Hà Tĩnh). Chi sai mục đích đã gây thiệt hại cho Nhà nước đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (tháng 10/2011) gần 52 tỷ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi.
Toàn bộ số tiền tạm ứng còn lại, gần 300 tỷ đồng, doanh nghiệp này cũng không sử dụng vào triển khai dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, mà lại "ném" vào 5 đơn vị khác mà PVC góp vốn. Đến nay 3 trong 5 đơn vị này kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Sau này, để có tiền triển khai Nhiệt điện Thái Bình 2, lãnh đạo PVC thời hậu ông Trịnh Xuân Thanh đã có văn bản "cầu cứu" tập đoàn mẹ - PVN, xin hỗ trợ toàn bộ phần lãi vay phải trả cho việc vay vốn để mở L/C đến hết năm 2013 khoảng 600.000 USD và số lỗ luỹ kế đến hết năm này là 1,5 triệu USD.
Cách đây 3 tháng, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với ông Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng của PVN và loạt lãnh đạo dự án này, gồm: Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2; Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVC. Các bị can trên có liên quan sai phạm các nguyên tắc về tài chính trong quá trình thực hiện dự án này.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được thiết kế với công suất 1.800 MW, dù được coi là dự án cấp bách trong tổng sơ đồ quy hoạch điện VI và từng được kỳ vọng sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 6,7 tỷ kWh điện mỗi năm sau khi hoàn thành, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành và đã chậm so với kế hoạch 3 năm.
Trong thông báo của Văn phòng Chính phủ về điều chỉnh tiến độ dự án, Chính phủ yêu cầu PVN đẩy nhanh tiến độ, đưa các tổ máy vào vận hành trong tháng 9/2017 và tháng 3/2018.
Nguồn: kinhdoanh.vnexpress.net
Xe nâng hàng nhập khẩu chính hãng 100%, giá ưu đãi số 1 thị trường tại : Công Ty Xe Nâng Havico