Bộ Công Thương đã công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đại diện Bộ Công Thương cho biết: Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2017 là 174,65 tỷ kWh, tương ứng với doanh thu là 289.954,78 tỷ đồng (doanh thu này được tính theo giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.660,19 đ/kWh).
Thế nhưng, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN lại lên tới 291.278,46 tỷ đồng. Con số này bao gồm cả thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Như vậy, nếu lấy doanh thu trừ đi chi phí thì năm 2017 EVN vẫn đang lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, cho dù giá điện năm 2017 đã tăng so với năm 2016.
Giải thích cho việc “lỗ đều” qua các năm này, EVN đưa ra hàng loạt lý do như giá than, giá dầu HSFO, thuế suất tài nguyên nước,…cùng tăng. Bên cạnh đó, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và tỷ giá đồng đô la Mỹ biến động cũng ảnh hưởng tới giá điện.
Thế nhưng, theo đại diện EVN thì tập đoàn vẫn có nguồn thu khác “gỡ” lại từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2017.
Tổng các khoản thu ước đạt khoảng hơn 4.115 tỷ đồng. Trong đó bao gồm tiền bán công suất phản kháng; tiền từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN; tiền cổ tức và lợi nhuận; thu nhập hoạt động tài chính của các Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia; Tổng công ty điện lực;…
Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2017 thì EVN thông báo đã lãi 2.792,08 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Tuy nhiên, theo EVN vẫn còn gần 5.000 tỷ đồng chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017.
Trong đó, nổi bật là khoản tiền dư chênh lệch tỷ giá hơn 1.940 tỷ đồng chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia. Và khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2017 khoảng 3.071 tỷ đồng cũng chưa được tính đến.
Đứng trước tình trạng đó, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Bộ Công Thương đã sớm ban hành kế hoạch điều hành giá cho năm 2019. Bộ sẽ thẩm định, báo cáo ban điều hành giá của Chính phủ rồi trên cơ sở đó sẽ quyết định thời điểm tăng giá điện.
Nguồn: dantri