Hotline: 0902 810 638
Email: sales6.xenanghavico@gmail.com
banner-tin-tuc

Toàn bộ quá trình Mỹ không kích giết tướng Soleimani và iran đã làm gì để trả đũa Mỹ?

Tướng Iran bị Mỹ hạ sát là ai ?

 

Tướng Qassem Soleimani từng mang biệt danh "tư lệnh ngầm" vì hiếm khi xuất hiện trước công chúng, dù là một trong những người quyền lực nhất tại Trung Đông.

 

Lầu Năm Góc hôm nay xác nhận đã thực hiện cuộc không kích theo mệnh lệnh của Tổng thống Donald Trump nhằm vào thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cáo buộc ông đã tích cực tham gia lên kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ ở Iraq cũng như khắp khu vực.

 

soleimani-vs-donald-trump

 

Cái chết của tướng Soleimani là dấu chấm hết cho một người được coi là anh hùng tại Iran nhưng cũng là cái gai trong mắt Mỹ, Israel và Arab Saudi. "Trong suốt sự nghiệp, Soleimani đã trở thành một trong những lãnh đạo quân sự được kính trọng nhất tại Iran. Ông cũng nổi tiếng là người quyền lực và đầy bí ẩn tại Trung Đông", cây bút Babak Dehghanpisheh của Reuters nhận xét.

 

​Lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei từng ca ngợi Soleimani là "liệt sĩ sống". Tư lệnh đặc nhiệm Quds đóng vai trò chủ chốt tại Iraq sau khi tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran ra khắp Trung Đông, như hỗ trợ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến từ năm 2011.

 

Soleimani từng bị nghi thiệt mạng nhiều lần, trong đó có một tai nạn máy bay ở tây bắc Iran năm 2006 và vụ đánh bom ở thủ đô Damascus của Syria khiến nhiều quan chức thân cận với Tổng thống Assad thiệt mạng năm 2012. Gần đây nhất, nhiều tin đồn cho rằng ông đã thiệt mạng khi chỉ huy lực lượng chính phủ Syria và dân quân Iran trong chiến dịch ở thành phố Aleppo tháng 11/2015.

 

Soleimani sinh ngày 11/3/1957 tại làng Qanat-e Malek, tỉnh Kerman trong một gia đình nông dân nghèo. Ông từng làm công nhân xây dựng và gia nhập IRGC sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

 

Ngày 22/9/1980, chiến tranh Iran - Iraq bắt đầu khi quân đội Iraq vượt qua biên giới với Iran. Soleimani chiến đấu ở tiền tuyến với vai trò đại đội trưởng đơn vị gồm các binh sĩ đến từ tỉnh Kerman được chính ông tuyển chọn và huấn luyện.

 

so-lei-ma-ni-goc-nghieng

 

Ông nhanh chóng được cấp trên chú ý vì sự dũng cảm và được thăng cấp nhờ vai trò quan trọng trong các chiến dịch nhằm giành lại lãnh thổ bị quân đội Iraq chiếm. Soleimani trở thành sư đoàn trưởng Sư đoàn số 41 Sarallah khi chưa đầy 30 tuổi và tiếp tục góp mặt trong nhiều cuộc phản kích của IRGC.

 

Sau chiến tranh, ông được triển khai tới biên giới phía đông Iran để đối phó nạn buôn ma túy từ Afghanistan. Soleimani trở thành tư lệnh đặc nhiệm Quds vào năm 1998 và giữ vị trí này tới khi thiệt mạng.

 

Dưới quyền chỉ huy của Soleimani, Quds duy trì quân số hàng nghìn người và đảm nhận hàng loạt nhiệm vụ nhạy cảm như tình báo, tác chiến đặc biệt, vận chuyển vũ khí bí mật can thiệp chính trị ở nước ngoài để bảo vệ lợi ích của Iran. Nhiều quan chức phương Tây từng mô tả Quds là "cánh tay nối dài của Tehran đến mọi nơi".

 

"Soleimani là nghệ sĩ rối tuyệt vời. Ông ấy ở khắp mọi nơi và chẳng ở đâu cả. Mọi thứ đều có thể đổ tội cho Soleimani", giáo sư Toby Dodge thuộc Đại học Kinh tế và Khoa học chính trị London mô tả chỉ huy Quds hồi năm 2014.

 

so-lei-ma-ni-cau-xin

  

Dù nắm giữ quyền lực rất lớn tại Trung Đông, Soleimani lại rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng và gần như luôn biến mất trong đám đông. Điều này khiến nhà báo Dexter Filkins của New Yorker đặt cho Soleimani biệt danh "tư lệnh ngầm".

 

Suleimani thường chỉ có mặt tại những sự kiện dành cho cựu chiến binh hoặc gặp lãnh đạo Khamenei. Ông không có vẻ nổi bật và gần như không bao giờ nói to. Dù vậy, nó lại mang đến sức cuốn hút với những người xung quanh.

 

"Ông ấy thấp bé nhưng sự hiện diện của Soleimani luôn được mọi người chú ý. Tư lệnh đặc nhiệm Quds sẽ không ngồi cùng đám đông, mà lặng lẽ chọn góc đối diện trong căn phòng. Ông ấy không phát biểu hay bình luận, mà chỉ ngồi nghe. Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến tất cả mọi người phải nghĩ tới ông ấy", một cựu quan chức Iraq tiết lộ.

 

Dù luôn bị phương Tây chỉ trích, Soleimani được coi là anh hùng hoàn hảo trong mắt người Iran vì những thành tích trong cuộc chiến với Iraq. Ông luôn giữ hình ảnh khiêm tốn trước công chúng, tự nhận mình là "người lính nhỏ bé nhất" và nhiều lần từ chối đề nghị được hôn tay bởi những người xung quanh.

 

Hình ảnh của Soleimani mới trở nên nổi tiếng kể từ khi ông trực tiếp chỉ huy lực lượng Iran tại Syria vào năm 2013. Tư lệnh Quds được coi là kiến trúc sư trưởng trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Tehran tại Trung Đông, cũng như dẫn đầu cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở những nước láng giềng.

 

"Với người Hồi giáo dòng Shiite, ông ấy tổng hợp của điệp viên 007, 'con cáo sa mạc' Erwin Rommel và cả Lady Gaga. Với phương Tây, Soleimani bị coi là người hỗ trợ khủng bố, lật đổ các chính quyền thân phương Tây và truyền bá tư tưởng Hồi giáo của Iran", Kenneth Pollack, cựu chuyên gia phân tích thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), viết trong hồ sơ bình chọn 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2017 của tạp chí Time.

 

Nhiều người Iran từng kêu gọi Soleimani tham gia chính trị, nhằm dẫn dắt nước này vượt qua khó khăn kinh tế và chính trị bắt nguồn từ các biện pháp cấm vận của Mỹ. Tư lệnh Quds bác bỏ tin đồn sẽ tranh cử tổng thống Iran, nhưng lại có vai trò rất quan trọng với chính trường nước láng giềng Iraq.

 

Ông tham gia đàm phán thành lập chính phủ Iraq, đồng thời hối thúc cộng đồng người Kurd từ bỏ kế hoạch đòi độc lập sau cuộc trưng cầu dân ý chớp nhoáng hồi tháng 9/2017.

 

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif mô tả tướng Soleimani là "người dẫn đầu lực lượng hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, phiến quân al-Nusra, al-Qaeda".

 

so-lei-ma-ni-cung-thu-linh

 

Khảo sát tiến hành năm 2018 bởi tổ chức IranPoll và đại học Maryland của Mỹ, một trong những khảo sát được coi là đáng tin cậy nhất, cho thấy 83% người dân Iran được hỏi bày tỏ sự ủng hộ với Soleimani. Con số này cao hơn cả Tổng thống Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif.

 

Một phần sức hấp dẫn của Soleimani bắt nguồn từ quan điểm giúp hàn gắn chia rẽ lâu năm trong xã hội Iran về nhiều vấn đề như luật Hồi giáo.

 

"Nếu chúng ta cứ sử dụng những từ ngữ như 'trang phục tốt' và 'trang phục xấu', hay người cải cách và bảo thủ thì sẽ còn ai nữa đây? Tất cả đều là con người. Có phải con cái các vị đều sùng đạo hay không? Liệu tất cả có giống nhau không? Không, nhưng chúng đều nghe lời cha mình", Soleimani phát biểu trong một hội thảo về Hồi giáo tại Iran năm 2017.

 

Cuộc không kích giết chết tướng Soleimani khiến hàng loạt quan chức hàng đầu Iran và lực lượng đồng minh tại Trung Đông kêu gọi báo thù, trong khi các nước như Nga, Trung Quốc, Iraq và Syria đều lên án hành động của Mỹ. Điều đó khiến giới chuyên gia lo ngại sự việc này có thể là "giọt nước tràn ly" làm bùng phát xung đột quân sự trực diện giữa Iran và Mỹ, dù nó khó có khả năng trở thành chiến tranh tổng lực.

 

Kế hoạch khiến tướng Iran bị hạ sát

 

Giữa tháng 10/2019, tướng Qassem Soleimani gặp các chỉ huy dân quân Iraq tại biệt thự bên bờ sông Tigris, đối diện sứ quán Mỹ ở Baghdad.

 

Trong cuộc họp, thiếu tướng Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thúc giục Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU), đẩy mạnh tấn công vào mục tiêu Mỹ tại nước này bằng vũ khí mới do Iran cung cấp, hai chỉ huy dân quân và hai nguồn tin an ninh giấu tên nói với Reuters.

 

Là chỉ huy hàng đầu của PMU, lực lượng dân quân được chính phủ Iraq chấp thuận và tích hợp vào lực lượng vũ trang nước này, nhưng Muhandis được coi là đồng minh hàng đầu của Iran tại Iraq. Ông này là người thành lập Kataib Hezbollah, nhóm dân quân Hồi giáo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn.

 

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người Iraq xuống đường phản đối ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Iran tại nước này. Hàng nghìn người biểu tình hôm 28/11 đã tràn vào lãnh sự quán Iran tại thành phố Najaf, phía nam Iraq, xé cờ Iran và đốt tòa nhà.

 

Theo các chính trị gia dòng Shiite ở Iraq và quan chức chính phủ thân cận với Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi, khi làn sóng chống Iran ở Iraq lên cao, tướng Soleimani lên kế hoạch tấn công lực lượng Mỹ tại nước này, nhằm kích động phản ứng quân sự của Washington, khiến dư luận Iraq chuyển sang giận dữ với Mỹ thay vì Iran.

 

so-lei-ma-ni-o-tien-tuyen

 

Soleimani từng nói rằng ông nắm rõ Iraq như lòng bàn tay. Hai tuần trước cuộc họp tháng 10, Soleimani ra lệnh cho Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chuyển các vũ khí tinh vi hơn, như tên lửa Katyusha và tên lửa vác vai có thể hạ trực thăng, tới Iraq thông qua hai cửa khẩu biên giới.

 

Tại biệt thự ở Baghdad, Soleimani đề nghị các chỉ huy dân quân Iraq thành lập một nhóm mới gồm các lực lượng bán quân sự ít được biết đến để có thể tiến hành tấn công bằng rocket vào người Mỹ ở căn cứ quân sự Iraq. 

 

Ông yêu cầu Kataib Hezbollah, lực lượng do Muhandis thành lập và được huấn luyện ở Iran, thực hiện kế hoạch mới. Soleimani lập luận rằng một nhóm vậy sẽ "khó bị người Mỹ phát hiện".

 

Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng Soleimani trong nhiều năm qua liên quan đến âm mưu tấn công người Mỹ ở nhiều quốc gia, bao gồm Iraq, Syria và Lebanon. Một quan chức Mỹ cấp cao cho biết Soleimani đã cung cấp vũ khí hiện đại cho Kataib Hezbollah.

 

Soleimani, 62 tuổi, là người đóng vai trò trọng yếu trong việc mở rộng ảnh hưởng quân sự của Iran tại Trung Đông, với tư cách là người điều hành các hoạt động bí mật bên ngoài Iran. Ông được coi là người quyền lực thứ hai ở Iran sau lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

 

Các đời tổng thống Mỹ trước đây như George W. Bush hay Barack Obama đều từ chối phê chuẩn kế hoạch hạ sát Soleimani, do lo ngại nguy cơ bùng nổ chiến tranh với Iraq. Tình báo và quân đội Mỹ trong nhiều năm qua đã tăng cường theo dõi mọi di biến động của Soleimani ở Trung Đông, nhưng mọi phương án không kích đều bị gạt sang một bên.

 

Tuy nhiên, Mỹ gần đây ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Iran đối với giới cầm quyền ở Iraq, vốn bị người biểu tình gây sức ép trong nhiều tháng qua với cáo buộc chính phủ tư lợi và phục vụ cho lợi ích của cường quốc nước ngoài, đặc biệt là Iran.

 

iran-dot-co-My

 

Giống như Soleimani, Muhandis từ lâu đã là "cái gai" trong mắt Mỹ và bị Washington gọi là "kẻ khủng bố". Năm 2007, một tòa án ở Kuwait kết án tử hình vắng mặt ông này vì liên quan đến vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ và Pháp năm 1983 tại Kuwait.

 

Soleimani chọn Kataib Hezbollah để thực hiện các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ trong khu vực vì cho rằng nhóm này có khả năng sử dụng máy bay không người lái để trinh sát mục tiêu cho rocket Katyusha. Trong số các vũ khí mà lực lượng của Soleimani cung cấp cho dân quân Iraq mùa thu năm ngoái có một máy bay không người lái có thể qua mặt các hệ thống radar. Kataib Hezbollah đã sử dụng máy bay không người lái để quay từ trên cao những địa điểm có quân Mỹ đồn trú ở Iraq.

 

Ngày 11/12, một quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết các cuộc tấn công của những nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn vào căn cứ có quân Mỹ ở Iraq đang gia tăng và trở nên tinh vi hơn.

 

Cảnh báo được đưa ra hai ngày sau khi 4 quả rocket Katyusha tấn công một căn cứ gần sân bay Baghdad, làm bị thương 5 thành viên Lực lượng Chống Khủng bố của Iraq. Mặc dù không ai nhận trách nhiệm, Mỹ nói phân tích tình báo cho thấy các nhóm do Iran hậu thuẫn như Kataib Hezbollah và Asaib Ahl al-Haq đứng sau vụ này.

 

Ngày 27/12, hơn 30 quả rocket bắn vào căn cứ K-1 gần thành phố Kirkuk, giết một nhà thầu dân sự Mỹ, làm bị thương 4 quân nhân Mỹ và hai người Iraq. Washington cáo buộc Kataib Hezbollah thực hiện vụ tấn công nhưng nhóm bác bỏ. Hai ngày sau, Mỹ không kích nhóm này, giết 25 chiến binh và làm bị thương 55 người. Các cuộc tấn công khiến những người ủng hộ PMU biểu tình dữ dội tại sứ quán Mỹ ở Iraq trong hai ngày, Washington phải điều động thêm quân tới khu vực.

 

Soleimani dường như đã tính toán sai về phản ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kế hoạch tấn công của ông và vụ tập kích căn cứ K-1 khiến người Mỹ thiệt mạng ở Kirkuk đã vượt quá "lằn ranh đỏ" của Mỹ, châm ngòi cho cách đáp trả quyết liệt nhất .

 

Sau khi phát hiện những tính toán của Soleimani, các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc trình lên ông chủ Nhà Trắng nhiều biện pháp đối phó, nhưng Trump đã chọn phương án cực đoan nhất, đó là tung đòn không kích vào đoàn xe chở tướng Iran.

 

Mệnh lệnh của Trump được thực thi vào rạng sáng ngày 3/1, khi Muhandis cùng đoàn hộ tống tới đón Soleimani vừa hạ cánh ở sân bay quốc tế Baghdad sau chuyến bay từ Syria. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert O Brien nói với các phóng viên hôm 3/1 rằng Soleimani đến Damascus, Syria để "lên kế hoạch tấn công vào lực lượng bộ binh, lính không quân, thủy quân lục chiến, thủy thủ và các nhà ngoại giao Mỹ".

 

Hai quả tên lửa Hellfire được máy bay không người lái MQ-9 Reaper phóng ra, khiến Soleimani cùng Muhandis và nhóm tay súng hộ tống thiệt mạng tại chỗ. Thi thể không nguyên vẹn của Soleimani chỉ có thể được nhận dạng nhờ chiếc nhẫn ngọc ông này thường đeo.

 

my-khong-kick-giet-tuong-iran

 

Một ngày trước cuộc tấn công giết Soleimani, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo Washington có thể phải có hành động phủ đầu để bảo vệ nhân sự Mỹ trong khu vực trước nguy cơ bị dân quân do Iran hậu thuẫn tấn công.

 

"Cuộc chơi đã thay đổi", ông nói.

 

Iran báo thù Mỹ cách nào?

 

Cuộc không kích tiêu diệt tướng Soleimani có thể thôi thúc Iran đẩy Mỹ khỏi Iraq, kích động dân quân, tạo làn sóng bạo lực mới khắp Trung Đông.

 

Thiếu tướng Qassem Soleimani, quan chức quyền lực thứ hai Iran, bị giết chết trong cuộc không kích của Mỹ tại thủ đô Baghdad, Iraq, giữa lúc phạm vi ảnh hưởng của Iran trong khu vực, được ông xây dựng thành công suốt thập kỷ qua, trở thành mối đe dọa của một số người ở Trung Đông.

 

donald-trump-tong-thong

 

Tại Iraq, các cuộc biểu tình trên đường phố nổ ra từ tháng 10 nhằm phản đối ảnh hưởng của Tehran, thường do người Shiite thân Iran dẫn dắt. Biểu tình làm hàng trăm người chết, liên quan đến các lãnh sự quán Iran tại Karbala và Najaf, các thành phố linh thiêng của người Shiite phía nam Baghdad.

 

Tại Lebanon, phong trào biểu tình chống tham nhũng được phát động trong tháng 10, thách thức hệ thống chính trị bị kiểm soát chặt chẽ bởi nhóm vũ trang Hezbollah thân Iran. Sau khi xây dựng hình ảnh chống "kẻ thù Do Thái", Hezbollah bị nhiều người Lebanon, trong đó có người Shiite mà nhóm vũ trang này tuyên bố đại diện, coi là một phe chính trị khác. Họ bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho sự rối loạn trong các cơ quan nhà nước Lebanon.

 

Nhưng ở Trung Đông, những gì người dân muốn chưa hẳn là điều quan trọng. Việc Mỹ đã giết tướng Soleimani trao cho Iran thêm động lực giành lại ảnh hưởng chiến lược. Và cái giá phải trả có thể là làn sóng bạo lực mới khắp khu vực.

 

"Đây là thời điểm khó khăn của Iran, nhưng không phải là khởi điểm kết thúc ảnh hưởng của Iran trong khu vực", Emile Hokayem, chuyên gia về an ninh Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London, Anh, nói. "Chúng tôi đánh giá thấp khả năng chịu đựng nỗi đau của Iran, khả năng đầu tư nguồn lực và thời gian họ nghĩ rằng sẽ đạt được tham vọng".

 

Tướng Soleimani đã chứng minh rằng ở Syria, nơi lực lượng Quds và dân quân Shiite từ Lebanon, Iraq, Afghanistan và những nơi khác dồn về, đã giúp Tổng thống Bashar al-Assad giữ vững quyền lực suốt 9 năm nội chiến.

 

Tuy nhiên, nỗ lực củng cố ảnh hưởng của Iran đang bị thách thức bởi các cuộc không khích của Israel và hợp tác mới giữa Nga, nhà viện trợ chính của Assad, với Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch trừng phạt của Mỹ nhằm "tạo áp lực tối đa" lên Iran đã làm suy yếu khả năng hỗ trợ các đối tác trong khu vực của lực lượng Quds, đồng thời thổi bùng bất ổn ở quê nhà.

 

Trước cái chết của Soleimani, giới chức tại Trung Đông tin rằng sớm muộn gì Iran cũng sẽ tiến hành không kích một số vị trí trong khu vực nhằm phá vỡ thế bế tắc và cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh lợi ích của họ, nhất là sau đợt tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hồi tháng 9, nhằm vào nhà máy dầu Arab Saudi.

 

so-lei-ma-ni

 

Mối thù đó không nhất thiết trả ngay lập tức. "Thời gian để Iran trả đũa là vô hạn. "Mơ hồ về những gì sẽ làm và thời điểm thực hiện là cách Iran vận hành", Adnan Tabatabai, chuyên gia phân tích về Iran, CEO viện nghiên cứu CARPO tại Đức, bình luận.

 

"Họ sẽ tính toán cách trả đũa để Mỹ không phản ứng lại quá dữ dội. Một cuộc chiến toàn diện không nằm trong suy tính của Iran. Nhưng đây là một trò 'vờn' nguy hiểm khi cả hai đều muốn xem bên còn lại sẵn sàng đi bao xa", Tabatabai nói.

 

Iran từ lâu tìm cách tránh xung đột quân sự lớn với Mỹ. Nước này sở hữu lực lượng chiến đấu mặt đất lớn, nhưng lực lượng không quân và hải quân phần lớn đã lỗi thời, và hạ tầng quân đội cũng như công nghiệp có thể bị sức mạnh không quân của Mỹ phá hủy.

 

Những gì Tehran có thể làm để trả đũa cái chết của tướng Soleimani là kích động dân quân khắp khu vực, do chỉ huy quá cố lực lượng Quds đào tạo và hỗ trợ, chống lại Mỹ.

 

Các lực lượng dân quân này bắt đầu leo thang căng thẳng trước cả khi Soleimani bị giết. Hôm 31/12, dân quân Kataeb Hezbollah biểu tình và xông vào đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad, Iraq.

 

Không giống Syria, nơi bị Mỹ coi là nước tài trợ khủng bố từ năm 1979, Iraq và Lebanon luôn duy trì thành công thế cân bằng giữa Washington và Tehran. Mỹ đã huấn luyện và tài trợ cho quân đội và lực lượng an ninh hai nước, dù Hezbollah vẫn duy trì ảnh hưởng chiến lược lên chính sách đối ngoại của Lebanon và dân quân thân Iran nắm giữ các vị trí an ninh chủ chốt ở Iraq.

 

Sự cân bằng đó có vẻ sẽ rơi vào thế khó, nếu không nói là hoàn toàn không thể giữ, sau khi tướng Soleimani chết. Khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại, Mỹ, Iran và các nước Trung Đông khác không còn buộc phải hợp tác chống lại kẻ thù chung.

 

soleimani-chet

 

Hướng lớn nhất Tehran có thể trả đũa là nỗ lực đẩy Washington khỏi Baghdad, bằng cách tăng cường tấn công cơ sở Mỹ và tạo ra làn sóng phản ứng chính trị chống lại sự hiện diện của nước này ở Iraq.

 

Quốc hội Iraq sẽ họp và giới chính trị gia hàng đầu kêu gọi trục xuất gần 5.000 lính Mỹ đang được triển khai ở nước này. Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi hôm 3/1 lên án cuộc không kích của Mỹ vi phạm trắng trợn các điều khoản cho phép quân đội Mỹ hiện diện trên đất Iraq, cũng như vi phạm chủ quyền của Iraq.

 

"Cách làm công khai và tự cao trong vụ không kích này được thực hiện trên đất Iraq sẽ kích động tâm lý chủ nghĩa dân tộc của người Iraq, khiến họ ngả về phía Iran nhiều hơn", Ellie Geranmayeh, chuyên gia Trung Đông tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Quốc tế, nhận xét.

 

Nếu điều đó dẫn tới việc quân Mỹ rút khỏi Iraq, "nó sẽ hoàn thành tham vọng của Soleimani trong dự án mà ông từng muốn đạt được từ năm 2001: không có dấu giày của Mỹ trong biên giới Iraq", bà nói.

 

Có những lực lượng hùng mạnh ở Lebanon và Iraq không muốn đất nước họ phụ thuộc hoàn toàn vào Iran. Họ sẽ quyết tâm chống lại nỗ lực đẩy lùi Mỹ của Iran.

 

Nhưng người Trung Đông hiểu rằng mục tiêu quan trọng và được Tổng thống Mỹ Trump nhắc đi nhắc lại là rút quân khỏi khu vực. Các nhà môi giới năng lượng của Trung Đông biết rõ bất kỳ ai liên minh với Mỹ đều có thể bị phản bội chỉ sau một đêm, như lực lượng dân quân Kurd tại Syria vài tháng trước.

 

Còn Iran sẽ chẳng rút đi đâu cả, cho dù có Soleimani hay không.

 

tuong-iran-qaseem-soleimani-bi-am-sat

 

Giết tướng Iran, Mỹ đào mồ chôn quan hệ với Iraq

 

Vụ không kích tiêu diệt tướng Soleimani có thể giúp Tehran thúc đẩy mục tiêu đuổi Mỹ khỏi Iraq, đóng nắp "quan tài" cho chính quan hệ Mỹ - Iraq.

 

Công nhân dầu mỏ Mỹ ở Baghdad vội vã rời khỏi Iraq hôm 3/1, do lo sợ nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Iran. Tại Karbala, thánh địa của người Hồi giáo dòng Shiite, người sùng đạo hô vang khẩu hiệu "Giết người Mỹ".

 

nguoi-my-tron-khoi-iraq

 

 

Tại quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Baghdad, nơi người biểu tình chống chính phủ tụ tập nhiều tháng qua, một biểu ngữ mang thông điệp rõ ràng gửi tới Mỹ và Iran: "Hãy mang xung đột của các người ra khỏi Iraq".

 

Người Iraq thức dậy sáng hôm 3/1 với tin tức chấn động về cái chết của tướng Iran Qassem Soleimani. Tư lệnh Quds, kiến trúc sư trưởng trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Tehran tại Iraq, bị giết trong cuộc không kích của Mỹ gần sân bay Baghdad cùng một số người khác.

 

khong-kich-tuong-soleimani

 

Nhưng trước khi hết bàng hoàng về cái chết này, phe phái ở Iraq phải cân nhắc về phản ứng của họ. Dân quân Iraq có mối quan hệ mật thiết với Iran thề sẽ trả thù đẫm máu. Thủ tướng Adel Abdul Mahdi lên án vụ tấn công như "hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq" và cho biết quốc hội sẽ thảo luận về sự hiện diện của Mỹ tại nước này.

 

Người biểu tình chống chính phủ để phản đối ảnh hưởng của Iran tại Iraq lo lắng phong trào của họ sớm bị dân quân Iran dập tắt. Trong khi đó, hầu hết người dân Iraq cảm thấy đất nước của họ nằm ngoài cuộc xung đột địa chính trị giữa Mỹ và Iran, dù nó diễn ra trên đất Iraq.

 

Cuộc không kích giết tướng Iran đặt ra một câu hỏi chung: liệu Mỹ có thể duy trì mối quan hệ hợp tác an ninh với Iraq? Câu hỏi này được nêu ra ở mọi cơ quan cấp cao ở Baghdad, ngay cả khi chính quyền Trump hôm 3/1 tuyên bố gấp rút đưa quân tới khu vực để đối phó với khủng hoảng.

 

Vụ giết tướng Soleimani là phát súng chống lại Iran, nhưng có thể đẩy nhanh mục tiêu dài hạn của Iran: đuổi quân Mỹ ra khỏi Iraq.

 

"Tôi cho rằng tướng Soleimani đã đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài của hiện diện quân sự Mỹ tại Iraq bằng chính cái chết của ông. Nếu Tehran có thể xóa sạch sự hiện diện của quân Mỹ ở Iraq bằng sự hy sinh của 5 quân dân Iran, họ sẽ làm chứ? Tôi tin câu trả lời là có", Mohammad Shabani, nghiên cứu sinh về quan hệ Iran - Iraq tại Đại học nghiên cứu về châu Phi và phương Đông (SOAS) tại London, Anh, cho biết.

 

Mỹ có 5.000 quân ở Iraq. Nhưng dù họ ở hay đi, sức mạnh của Mỹ ở Iraq sẽ giảm sút. "Kết quả chắc chắn của cuộc không kích là kỷ nguyên của mối quan hệ Mỹ-Iraq đã chấm dứt",  Richard N. Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ ngoại giao và cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, viết trên Twitter. "Hiện diện về ngoại giao và quân sự của Mỹ sẽ kết thúc bởi Iraq yêu cầu chúng tôi rời đi hoặc xem sự hiện diện của chúng tôi là mục tiêu. Kết quả này giúp Iran tăng tầm ảnh hưởng với Iraq, kéo theo đó là khủng bố và xung đột ở Iraq".

 

quan-doi-My'

 

Trong khi đó, tầm ảnh hưởng của Iran tại Iraq ngày càng lớn, thậm chí trước khi tướng Soleimani bị giết. Khi Mỹ không kích căn cứ dân quân thân Iran hôm 29/12, giết chết 24 người, quan chức Iraq đã chỉ trích Washington vi phạm chủ quyền của Baghdad.

 

Tuy nhiên, khi cuộc không kích của lực lượng dân quân khiến nhà thầu Mỹ thiệt mạng lại vấp phải rất ít chỉ trích và nhanh chóng lắng xuống. Thậm chí, khi dân quân thân Iran diễu hành và tấn công đại sứ quán Mỹ hôm 31/12, chính quyền Baghdad dường như bất lực và chỉ còn cách cầu xin họ rút lui.

 

"Xin đừng đẩy tôi vào tình huống nguy cấp này. Chúng tôi là một quốc gia và phải thực hiện trách nhiệm của mình. Chúng tôi phải bảo vệ các đại sứ quán ở đây", Thủ tướng Abdul Mahdi lên tiếng cầu xin lãnh đạo dân quân trong cuộc họp khẩn hôm 31/12, theo chuẩn tướng Abdul Karim Khalaf. Cuối cùng, ông Abdul Mahdi phải thuyết phục bằng cách đe dọa từ chức thủ tướng và "để đất nước chìm trong hỗn loạn".

 

Giới chuyên gia cho rằng nếu chính quyền Trump hợp tác với chính phủ Iraq để đảm bảo sự ổn định và chủ quyền, thông qua cam kết về ngoại giao và kinh tế, cuộc không kích giết chết tướng Iran sẽ là đòn bẩy.

 

Kenneth M. Pollack, cựu nhân viên CIA, hiện là chuyên gia về Iraq và Iran tại Viện nghiên cứu chính sách công (AEI) của Mỹ, cho rằng vụ không kích giúp "quan chức Iraq bớt sợ Iran hơn và sẵn sàng nghe theo Mỹ" dù trong thời gian ngắn. Khi mất đi lãnh đạo, lực lượng Iran ở Iraq sẽ có thời gian chao đảo trước khi xác định được nên làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, Mỹ dường như không có chính sách nào dành cho Iraq ngoài xem nước này là căn cứ chống Iran.

 

"Tôi từng nói chuyện với vài người bạn ở Mỹ và biết Mỹ không có giải pháp nào giúp Iraq phát triển tốt hơn. Vụ giết tướng Iran là bước đi chiến thuật nhắm vào Iran mà không có chiến lược mang tính khu vực", Pollack đánh giá.

 

Ngược lại, Iran ngày càng nâng tầm ảnh hưởng ở Iraq ở nhiều cấp độ. "Mỹ chỉ có một màu, đó là màu sắc quân sự, và họ bỏ tiền cho điều đó. Nhưng Iran có rất nhiều màu, như chính trị, văn hóa, tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác", Qais al-Khazali, lãnh đạo dân quân thân Iran, cho biết.

 

Trên nhiều con phố, người Iraq ăn mừng sau cái chết của tướng Soleimani. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đăng bức ảnh người Iraq vẫy cờ và mô tả họ "nhảy múa trên phố vì được tự do, cảm ơn vì tướng Soleimani không còn". Nhưng trên các con phố, nơi người biểu tình chống chính phủ để kêu gọi chấm dứt sự ảnh hưởng của Iran, không có cảnh ăn mừng đó. Họ lo ngại nguy cơ khác có thể xảy ra sau cái chết của tướng Soleimani.

 

Faiq al-Shakhe, nghị sĩ quốc hội Iraq, cho biết người biểu tình không ăn mừng hay cảm thấy hạnh phúc. Thay vào đó, họ lo sợ phản ứng dữ dội từ dân quân thân Iran, lực lượng bị cáo buộc giết nhiều người biểu tình và lúc này có thể coi họ như đặc vụ Mỹ.

 

"Mỹ đã có bước đi sai lầm bởi đáng lẽ Mỹ nên phối hợp với chính phủ Iraq", theo Ameer Abbas, người biểu tình cho rằng Mỹ vi phạm chủ quyền của Iraq.

 

eo-bien-hormuz-tam-diem-cang-thang-the-gioi-quan-trong-nhuong-nao

 

"Chúng tôi phản đối tất cả sự can thiệp của nước ngoài, dù là Iran, Saudi Arab hay Mỹ. Nhưng nếu Mỹ hành xử giống Iran, bạn có thể thấy phản đối với Mỹ có thể lớn gấp nhiều lần so với Iran", Mustafa Nader, người biểu tình, cho hay.

 

Emma Sky, cựu cố vấn của lực lượng Mỹ ở Iraq, hiện làm việc tại Đại học Yale, cho rằng mối quan hệ Mỹ - Iraq sẽ bị hủy hoại vì vụ ám sát. "Tôi nghĩ sẽ có nhiều yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Iraq", Sky nói. Mỹ khó có thể có lý do để tiếp tục ở lại Iraq bởi nhiều người nhận ra mục tiêu của chính quyền Washington không phải sự ổn định của Iraq mà là Iran.

 

Trong khi quốc hội Iraq chắc chắn tiến hành thảo luận về sự hiện diện của quân Mỹ, ít người cho rằng chính phủ thực sự trục xuất người Mỹ. Lãnh đạo Iraq xem sự hiện diện của Mỹ quan trọng về an ninh. Họ cần Mỹ huấn luyện lực lượng an ninh và ít nhiều giúp họ trở thành đối trọng với Iran.

 

Tuy nhiên, người Mỹ ở Iraq hiện có rất ít sự bảo vệ. "Không ai lên tiếng vì chúng tôi, bất chấp chúng tôi đã làm gì cho họ. Và có Chúa chứng giám, chúng tôi cũng mắc sai lầm", Ryan Crocker, cựu đại sứ Mỹ ở Iraq và giờ là cố vấn ngoại giao tại Đại học Princeton, bang New Jersey, Mỹ, cho biết.

 

"Tất cả những gì chúng tôi cho Iraq, đặc biệt là người Hồi giáo dòng Shiite, là điều mà họ không dám mơ trước năm 2003. Nhưng quá khứ đã qua và giờ là hiện tại", ông nói.

 

Tiến Trần

Nguồn: Tổng hợp VN Espress

  • Logo-KING

    CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ HAVICO

    Đ/c Kho : 371/5 Quốc Lộ 1A, Khu Phố 1, Phường Thạnh Xuân, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

    Địa Chỉ Văn Phòng  : 1/27 Nguyễn Văn Dung, Phường 6, Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh

    Hotline (Zalo) : 0902 810 638

            QR zalo xenangtudong

    Tel          : (028) 6257 0030

    Fax         : (028) 6257 0031

    MST       : 0313506852 Cấp ngày 26/10/2015 tại Sở kế hoạch đầu tư - Phòng đăng kí kinh doanh TP. Hồ Chí Minh

    Người Đại Diện : Mr. Vinh

    Email     : sales6.xenanghavico@gmail.com

    Website : http://xenangtudong.com

        Đã thông báo bộ công thương gov

  • Dịch vụ

    Tư vấn

    Dịch vụ

    Bảo hành

  • Hỗ trợ khách hàng

    Chính sách

    Chăm sóc khách hàng

    Liên hệ

  • Thống kê truy cập

    Đang online:7

    Tổng truy cập:3160149

Copyright © 2016 KING. All Rights Reserved
Scroll